Hoạt động gia tộc hàng năm
 Nhấn vào ảnh để phóng to

Hiện nay hội đồng gia tộc Lê Khắc-Hòa Thạch đang xây dựng dự thảo tộc ước, để hoàn thiện dự thảo này hội đồng gia tộc mong con cháu trong toàn Tộc xem qua và có ý kiến đống góp thêm để dự thảo được chính thức ban hành.

Trân trọng cảm ơn.
 
 

DỰ THẢO TỘC ƯỚC

LÊ KHẮC TỘC HÒA THẠCH

LỜI NÓI ĐẦU

“Cây có cội, nước có nguồn, con người có Tổ Tông”, đó là chân lý ngàn đời không thay đổi.

Nước có quốc pháp, nhà có gia quy, tộc có Tộc Ước, đó cũng là một quy luật tất yếu để giữ yên mọi giềng mối, bảo vệ cho con cháu sống trong bình an và hạnh phúc

Vì danh dự của dòng họ, vì gia phong của tổ tiên, vì nhu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai cho con cháu mai sau, toàn thể con cháu tộc “Lê Khắc Hòa Thạch”, không phân biệt chính kiến, dân tộc địa phương, tôn giáo, nơi cư trú đều hướng về nguồn cội để cùng nhau ra sức thực hiện những điều quy ước.

     I.            SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ GIA TỘC

 Nguồn gốc tổ tiên tộc ta kể từ đời cụ Thái Thủy Tổ Lê Mưu cùng con là cụ Lê Viết Trí, vào đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên – tức Chúa Sải (1613-1638) đã từ Thanh Hóa vào định cư tại làng Cẩm Phô (Thành Phố Hội An ngày nay).

Đến đời thứ tư, vào đời chúa Nguyễn Phúc Chú tức Đinh Quốc Công (1725-1738), cụ Lê Khắc Lựu rời Cẩm Phô đến định cư tại làng Hòa Thạch và trở thành cụ Tổ khai sáng làm tổ thứ I “Lê Khắc Hòa Thạch” của chúng ta ngày nay.

NỘI DUNG TỘC ƯỚC

Điều 1:

Tuân theo đạo lý “Cây có cội, nước có nguồn” con cháu toàn tộc Lê Khắc luôn hướng về cội nguồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp của tổ tiên, luôn nêu cao tinh thần, ý thức xây dựng dòng tộc mỗi ngày phát triển theo hướng tích cực.

Tuyệt đối không làm điều gì trái với luân thường đạo lý và không lợi dụng hoặc dựa vào tộc họ để làm những điều có hại đến danh dự của tổ tiên.

Điều 2:

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đời đời ghi ơn tiên tổ. Dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 03 âm lịch hàng năm để về dự đông đủ. Quan tâm tô bồi tôn tạo từ đường, nghĩa trang, gia phả, phả đồ của tộc họ, không nên thờ ơ, hoặc ỷ lại rồi bỏ mặc mà lỗi đạo với tiền nhân.

Điều 3:

Con cháu toàn tộc luôn chấp hành pháp luật, không nói và làm những việc gì vi phạm luật pháp, có thể mang tội, từ đó có hại đến thanh danh của gia tộc. Sẵn sàng tham gia tích cực những công việc có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Không tranh luận trên các lĩnh vực: tôn giáo, dân tộc, địa phương, chính trị tại các nơi thờ tự tổ tiên nhằm tránh những mâu thuẫn làm mất tình đoàn kết trong thân tộc.

Điều 4:

Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”, đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Khi có người gặp hoạn nạn, khó khăn thì sẵn sàng giúp đỡ. Không để người trong thân tộc đói rách, lầm than mà mang tiếng xấu.

Điều 5:

Nỗ lực làm kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Thực hiện nếp sống văn hóa ”ông bà mẫu mực, cha mẹ hiền từ, con cháu hiếu thảo”. Xây dựng nếp sống vợ chồng bình đẳng, thuận hòa, gia đình hạnh phúc ấm no, là hạt nhân tiến bộ cho xã hội. Lấy tình thương yêu hóa giải mọi mâu thuẫn bất hòa trong dòng tộc, anh em, con cháu… Người lớn tuổi, người chủ gia đình phải gương mẫu để con cháu noi theo.

Tuyệt đối không chạy theo tiền bạc, danh vọng hão huyền, làm giàu bất chính. Không để con cháu lâm vào tệ nạn ma túy, cờ bạc, cướp giật và các tệ nạn xã hội khác làm cho tan nhà nát cửa, mất danh dự của gia tộc.

Điều 6:

Con cháu của gia tộc phải có chí tiến thủ, nỗ lực ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách phù hợp với nền văn minh thời đại. Cung kính thờ phụng tổ tiên, chăm lo cuộc sống cho cha mẹ, ông bà khi còn sống thật hiếu thảo. Khi cha mẹ, ông bà qua đời chôn cất, thờ tự chu đáo, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, không phô trương lãng phí…

Thực hiện nếp sống mới lành mạnh, tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi. Không đua đòi chạy theo tập tục lạc hậu, lố lăng, mê tín dị đoan.

Điều 7:

Chăm lo nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Quan tâm dạy con từ thuở ấu thơ cho đến ngày trưởng thành. Con cái dù gái hay trai, đến tuổi phải cho đến trường học hành đến nơi đến chốn. Dù trong hoàn cảnh khó khan đến mấy, cũng phải cho con học hành, hoặc một nghề chuyên môn, không được bỏ mặc con cái dốt nát.

Khi con cái bị lầm lỡ, sa ngã nên lấy tình thương để cảm hóa giáo dục. Khi con cái trưởng thành, nên hướng để chúng lập thân, lập nghiệp.

Viêc hôn nhân để chúng tự do chọn lựa, nhưng phải nhắc nhở, khuyên bảo chúng làm theo luật hôn nhân gia đình, không được kết hôn người trong dòng tộc mà trái với luân thường đạo lý, đây là điều tuyệt đối nghiêm cấm.

Điều 8:

Trong cuộc sống, phải luôn nêu cao ý thức cộng đồng. Đối nhân xử thế lịch thiệp, khiêm tốn, thật thà, chân thật. Kính già, yêu trẻ, giữ tình đoàn kết xóm làng, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, tránh lối sống thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại. Không tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi mà mang tiếng xấu với thiên hạ,

Điều 9:

Để phù hợp với nếp sống văn minh hiện tại, vấn đề lãnh đạo trong tộc không theo cổ tục ngày xưa để lại như: Cháu đích tôn thì phải làm tộc trưởng, chỉ huy lãnh đạo mọi công việc đối nội, đối ngoại của gia tộc. Đây là việc làm không còn phù hợp. Cháu đích tôn chỉ lo phần cúng tế, lễ bái vào mỗi dịp xuân kỳ, thu tế mà thôi.

Điều 10:

Toàn thể thành viên trong tộc, đủ 18 tuổi, có phẩm chất năng lực được quyền ứng cử và bầu cử vào hội đồng gia tộc.

Cơ cấu hội đồng gia tộc như sau:

v   01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký, 01 thủ quỹ, 01 kinh tài, 01 giám sát.

Ø   Chủ tịch và các thành viên hội đồng gia tộc được chọn lựa trong những người có tài, đức, năng lực để bầu vào hội đồng gia tộc theo hình thức bầu phiếu kín.

Ø   Nhiệm kỳ của hội đồng gia tộc là 05 năm bầu lại một lần. Trong nhiệm kỳ, nếu có thành viên hội đồng gia tộc nào không hoàn thành nhiệm vụ thì phải được thay thế theo thể thức biểu quyết “thiểu số phục tùng đa số”. Phiếu biểu quyết dựa trên số người trong hội đồng gia tộc và ban cố vấn.

v   Nhiệm vụ của hội đồng gia tộc:

Ø   Quản lý toàn bộ tài sản của gia tộc như đất đai, vườn tược, tiền bạc, từ đường, nghĩa trang,…

Ø   Lo việc trùng tu, sửa chữa những nơi hư hỏng.

Ø   Mỗi năm lo việc cúng tế vào ngày lễ, tết. Trong giao tế lo việc đối nội, đối ngoại như: ma chay, cúng tế ở các nơi như Lê Viết Hội An, họ ngoại Giao Thủy, cúng lễ Đình Hòa Thạch, Đình Thượng Phước, lễ Miếu Bà,…

Ø   Có phương hướng, kế hoạch làm kinh tế để gây quỹ gia tộc ngày thêm nhiều, nhằm góp phần vào việc cúng tế, trùng tu, trợ cấp khó khan cho con cháu trong việc học hành, hoạn nạn,…

Ø   Thay mặt tộc hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi các Chi, Phái thực thi tộc ước này.

Ø   Chủ tịch hội đồng gia tộc có toàn quyền chỉ đạo mọi mặt theo 10 điều tộc ước đã nêu. Chủ tịch hội đồng gia tộc chịu trách nhiệm chung, mỗi thành viên trong hội đồng gia tộc chịu trách nhiệm phần mình phụ trách.

v   Ngoài ra, tộc cũng chọn ra những người lớn tuổi, có phẩm chất, kinh nghiệm và tâm huyết để lập nên ban cố vấn giúp cho hội đồng gia tộc lãnh đạo, quản lý công việc được tốt đẹp

10 điều tộc ước trên đây đã được toàn tộc thảo luận và nhất trí. Tất cả thành viên tộc đều có bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ thi hành. Ai thi hành tốt được biểu dương, ai thi hành không tốt thì bị phê bình, khiển trách theo tập tục gia tộc.

Trong quá trình thực thi tộc ước này, nếu có điều gì cần thay đổi, thêm bớt thì đề xuất tộc bổ sung.

Làm tại Hòa Thạch, ngày 10 tháng 03 âm lịch, năm Bính Thân, 2016

HỘI ĐỒNG GIA TỘC

TỘC LÊ KHẮC HÒA THẠCH

0905.160.279